Công nghệ số đã nâng tầm nhiếp ảnh lên một kỷ nguyên mới. AI đã được tích hợp ứng dụng vào từng con chip camera của smartphone, làm cho việc chụp ảnh trở nên thuận lợi và thực sự dễ dàng. Những người làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng bắt buộc phải chuyển mình để bắt kịp xu thế. Những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp thông minh với công nghệ AI như nhận diện khuôn mặt, bắt nét chuyển động và tốc độ chụp siêu nhanh đã giúp công việc của nhiếp ảnh gia được dễ dàng hơn.
Giờ đây, họ tập trung nhiều thời gian hơn vào ý tưởng, bố cục câu chuyện, từ đó chất lượng nội dung bức ảnh cũng được nâng lên rất nhiều. Họ nhanh chóng nắm bắt thế mạnh về công nghệ để đầu tư tối đa chất xám cho việc sáng tác và đó cũng chính là cách họ nâng tầm “khoảng sân riêng” của mình – nơi mà ống kính những chiếc smartphone không thể chạm tới được.
Là người “cầm máy” hơn 25 năm, nhiếp ảnh gia Lê Tùng Mậu (SN 1978, còn gọi là Tùng Tik Tak) cho biết, nhiếp ảnh – bản thân nó đã là một bộ môn nghệ thuật sử dụng công cụ công nghệ để tạo ra bức ảnh hoặc tác phẩm nhiếp ảnh, nên tác động của sự phát triển công nghệ là một điều tất yếu. Có thể nói đó là bản chất của sự phát triển.
Các bộ môn nghệ thuật sinh ra để phục vụ cuộc sống và nhiếp ảnh cũng vậy. Cuộc sống hiện đại nhanh hơn, đòi hỏi nhiếp ảnh phải thay đổi phát triển kịp với tốc độ cuộc sống. Bản chất là một bộ môn nghệ thuật, nhiếp ảnh bao hàm nhiều giá trị và quy ước học thuật để tạo nên bức ảnh. Những điều này là cả một kho kiến thức khổng lồ mà công nghệ không thể nào thay thế được.
“Để hiểu được một thông tin hay sự kiện, người đọc phải xem hết hàng trăm chữ, nhưng với nhiếp ảnh thì chỉ cần một cú bấm máy, một bức ảnh, một lần xem là đủ. Nói như vậy để thấy được rằng để chụp những bức ảnh như vậy, người cầm máy phải học rất nhiều kiến thức áp dụng cho nhiếp ảnh, những thứ mà công nghệ không thể mang lại được. Nắm bắt công nghệ là tốt và tốt hơn khi dùng công nghệ để giải phóng sức người tập trung vào các giá trị cao hơn cho bức ảnh”, nhiếp ảnh gia Lê Tùng Mậu chia sẻ.
Trong dòng chảy công nghệ số, đòi hỏi các nhiếp ảnh gia thực thụ phải trở thành những “thợ săn hàng đầu”. Họ nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phát triển và nâng tầm các tác phẩm của mình. Những góc nhìn đa chiều hơn, cao hơn, xa hơn, nhanh hơn đã được khai thác. Khi có công cụ tối ưu ở trong tay, người nghệ sỹ nhiếp ảnh càng có nhiều không gian sáng tác hơn và các tác phẩm càng đáp ứng được nhu cầu nghệ thuật của cuộc sống hiện đại. “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Những tác phẩm mang hơi thở hiện đại cũng chính là khẳng định giá trị của thế hệ nhiếp ảnh gia kỷ nguyên số, tiền đề tiếp nối của kỷ nguyên nhiếp ảnh AI.
Bắt nhịp cùng “thế giới ảo”
Là người làm nhiếp ảnh thương mại, Lê Tùng Mậu cho biết, anh vẫn dành một góc cho khoảng sáng – tối của riêng mình. Anh chọn một lối đi riêng, đủ len lỏi vào không gian, vào góc nhìn của nhân vật hay sự việc để được lắng nghe, để hiểu và được may mắn trải nghiệm cảm xúc của nhân vật, sự việc. Việc được sống trong cảm xúc của nhân vật, sự việc khiến anh có được nhiều vốn sống hơn, được gần với chất liệu của mình hơn và từ đó việc chuyển tải cảm xúc qua bức ảnh trở lên nhẹ nhàng, tự nhiên.
Trong cuộc sống có hàng vạn niềm vui và tất cả cảm xúc ấy đều tạo nên những nụ cười. Tôi vô cùng yêu và trân trọng khoảnh khắc đó. Tôi ấp ủ một dự án nho nhỏ là được đi khắp Việt Nam ghi lại những nụ cười của phụ nữ các lứa tuổi, các dân tộc trong cuộc sống, để được đắm chìm trong cảm xúc tuyệt vời ấy.
Nhiếp ảnh gia Lê Tùng Mậu
Những tác phẩm mang hơi thở hiện đại cũng chính là khẳng định giá trị của thế hệ nhiếp ảnh gia kỷ nguyên số, tiền đề tiếp nối của kỷ nguyên nhiếp ảnh AI
Theo anh Mậu, sự phát triển của thế giới ảo mang đến cho mọi người những thói quen giải trí mới. Thời mà ai cũng có thể chụp ảnh, chỉnh ảnh và tự chia sẻ ảnh của mình chụp lên các nền tảng mạng xã hội. Giờ đây nhiều bạn trẻ có thể chụp ảnh ở bất kỳ đâu và chụp bất kỳ thứ gì. Nhiếp ảnh trở nên thực sự quá dễ dàng với đa số người dùng trong thế giới ảo. Những gì mong muốn về bản thân, họ đều có thể ngay lập tức chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm về “ảnh ảo”, “ảnh AI”, anh cởi mở: “Ảnh có thể ảo nhưng không sao, chúng ta đang sống song song trong thế giới ảo. Hãy cứ làm điều mà mình yêu thích, mình cảm thấy vui, không ảnh hưởng tới người khác và quan trọng nhất điều đó mang đến nụ cười cho bạn và biết đâu đấy nó lan tỏa tích cực cho những người xung quanh”.
An Khê (thực hiện)
Báo phunuvietnam.vn
https://phunuvietnam.vn/de-nghe-si-nhiep-anh-bat-nhip-ky-nguyen-ai-20241206203557726.htm